Ý nghĩa các loại tiền vàng mã và phong tục cúng hóa tiền vàng mã của người Việt

28/07/2022
Vy Vy

Ý nghĩa các loại tiền vàng mã và phong tục cúng hóa tiền vàng mã của người Việt

Tiền vàng mã là một loại vật phẩm quen thuộc được sử dụng trong những nghi lễ thờ cúng của người Việt. Hơn cả thế, tiền vàng mã còn mang trong mình những ý nghĩa tâm linh và là biểu tượng của tín ngưỡng thờ cúng tốt đẹp được cha ông ta lưu truyền bao đời nay. Để hiểu rõ hơn về ý nghĩa của các loại tiền vàng mã, mời bạn cùng tham khảo qua bài viết được chia sẻ dưới đây!

Đôi nét về tiền vàng mã

Tiền vàng mã là gì?

Tiền vàng mã hay còn được gọi là tiền âm phủ, đây là một loại tiền được làm từ giấy, bên trên có in hình đồng tiền và một số ký hiệu tâm linh. Loại tiền này được người sống sử dụng để cúng cho người đã khuất và chỉ mang giá trị tâm linh, không có giá trị mua bán, trao đổi như tiền thật.

Tiền vàng mã là một loại tiền được làm từ giấy, bên trên có in hình đồng tiền và một số ký hiệu tâm linh

Tiền vàng mã là nét đặc trưng của phong tục tập quán và tín ngưỡng tâm linh của người Việt nói riêng cùng các nước Á Đông nói chung. Người ta sẽ mua tiền vàng mã về để thực hiện các nghi lễ cúng bái và đốt cho người ở thế giới bên kia. Bởi vì trong tâm thức của người Việt, họ tin rằng việc hóa tiền vàng mã là một cách để kết nối với thế giới âm linh và người đã khuất có thể thông quá đó nhận được tiền cũng như sử dụng để thanh toán và trao đổi tại đó. 

Một số dạng tiền vàng mã

Hiện nay, tiền vàng mã sẽ được chia thành các dạng chính như sau:

  • Cách tiền: gồm 10 tờ tiền âm phủ được xếp vào một xấp.

  • Gấp tiền: 10 tờ tiền âm phủ sẽ được gấp một tờ ở ngoài.

  • Đai tiền: 100 tờ tiền âm phủ được gói lại bằng một đai giấy trắng.

  • Lồng (Polymer âm phủ): 100 tờ tiền âm phủ được cho vào túi nilon.

  • Vạn: 10.000 tờ tiền âm phủ với 20 bịch, mỗi bịch là 500 tờ có cùng mệnh giá.

Nguồn gốc của tục đốt các loại tiền vàng mã

Tục đốt các loại tiền vàng mã là một tục lệ có nguồn gốc tại Trung Quốc, được du nhập vào nước ta qua quá trình xâm lược và ảnh hưởng văn hóa. Từ đó, ông cha ta đã phát triển thành một nét văn hóa đặc trưng của Việt Nam và được gìn giữ, lưu truyền đến tận bây giờ.

Ban đầu, người ta tìm thấy những loại tiền kẽm, tiền giả trong các ngôi mộ cổ. Trên thực tế, tục lệ đốt tiền vàng mã đã xuất hiện từ rất lâu tại Trung Quốc, có thể trước cả đời nhà Tần. Từ ảnh hưởng của Đạo giáo, tục lệ này đã được hình thành và phát triển rộng rãi tại Trung Quốc, để rồi trở thành một nét đặc trưng của Á Đông nói chung và Việt Nam nói riêng. 

Người xưa tin rằng cúng và đốt tiền vàng mã là một nghi thức gửi tiền vào Ngân hàng địa phủ

Người xưa tin rằng cúng và đốt tiền vàng mã là một nghi thức gửi tiền vào Ngân hàng địa phủ, thông qua đó người ở cõi âm có thể sử dụng và trao đổi như ở thế giới thực tại. Tuy nhiên, cuộc sống văn minh và hiện đại đã khiến suy nghĩ về vấn đề này dần thay đổi, dựa trên “luật nhân quả”, người ta ngày càng tin vào “phước đức” và coi đây là công cụ thanh toán trung gian hữu hiệu nhất, giúp người đã khuất tích thêm phước lành và đón nhận được những điều tốt đẹp. Từ đó, việc đốt vàng mã được giảm thiểu và hành động làm điều thiện tích đức được khuyến khích để xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.

Dẫu là vậy, cho đến hiện tại thì tiền vàng mã vẫn luôn mang trong mình những ý nghĩa tốt đẹp và là nét đặc trưng cho văn hóa của người Việt.

Ý nghĩa của tục đốt các loại tiền vàng mã

Tục đốt các loại tiền vàng mã là hình thức giúp người còn sống thay tổ tiên, người thân đã khuất của mình gửi lời tri ân đến Diêm Vương, mong cầu Diêm Vương có thể sớm cho tổ tiên mình siêu thoát và đầu thai vào kiếp mới. Ngoài ra, đây cũng là cách để người ở thế giới bên kia có thể chi tiêu, trao đổi những vật dụng cần thiết. Nhiều người còn tin rằng người đã khuất còn có thể dùng số tiền được cúng để trả bớt phần nợ, nghiệp báo của mình khi còn sống.

Đốt vàng mã là cách người còn sống bày tỏ sự tri ân và lòng kính trọng đến người đã khuất

Xét ở khía cạnh sâu xa hơn, thì tục đốt các loại tiền vàng mã chính là một nét đẹp văn hóa bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ cúng của người Việt, đại diện cho truyền thống “uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp được ông cha ta lưu truyền bao đời nay. Thông qua đó, con cháu có thể thể hiện sự tri ân, lòng thành kính và hiếu thảo của mình đối với ông bà, tổ tiên cũng như người thân đã khuất. Mặc dù họ đã đi vào cõi vĩnh hằng, nhưng người trần thế vẫn sẽ ghi nhớ và mong cầu những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với họ, đây là một sự báo ân thiêng liêng.

Tuy nhiên, con cháu cần phải ý thức được rằng việc thờ cúng là một hành động làm tròn đạo hiếu, không phải dùng để cầu xin. Ngoài ra, thay vì đốt quá nhiều loại tiền vàng mã, con cháu nên thể hiện lòng thành kính, tri ân bằng sự tôn trọng, cái tâm hướng thiện và không ngừng làm việc tốt để tích phước tốt lành, hồi hướng an linh người đã khuất đến những giá trị tốt đẹp.

Nói tóm lại, tục lệ đốt các loại tiền vàng mã là một nét đẹp văn hóa tâm linh của người Việt. Chúng ta là những thế hệ đời sau, cần phải ý thức được tầm quan trọng và gìn giữ những giá trị đó để truyền thống dân tộc Việt mãi tỏa sáng đời đời.

Viết bình luận của bạn
icon icon icon